Đừng nên đề nghị bổ sung Quy hoạch điện VIII tràn lan, thiếu cái nhìn tổng thể

rước và trong kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều địa phương vẫn xin bổ sung nguồn năng lượng tái tạo, điện khí vào Quy hoạch điện VIII một cách tràn lan.

Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang về đích hoàn thiện với những nghiên cứu, luận chứng khoa học rõ ràng, bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng (Nghị quyết 55-NQ/TW), phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội 10 năm và xa hơn; phù hợp với các cam kết quốc tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Theo dự thảo, dự kiến tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. Tăng trưởng điện cũng sẽ tăng trong vòng 10 năm tới nhưng sau đó sẽ giảm dần.

Tuy nhiên đến thời điểm này, nhu cầu đăng ký của các địa phương, tính đến năm 2030 là khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt.

Tại một cuộc họp với các địa phương mới đây về Quy hoạch điện VIII, trước việc xin bổ sung quy hoạch, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhiều lần phát biểu, Quy hoạch đã tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Và cách tiếp cận của Bộ Công thương theo phương pháp tổng thể, vừa xuất phát từ địa phương, vừa cân đối toàn hệ thống, vùng miền, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương chia sẻ cái khó với bộ, với Chính phủ vì phải vẽ bức tranh trên nền cũ. "Chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo".

Các thông tin về nhu cầu điện, tổng công suất nguồn điện từng loại, quy hoạch vùng/miền; hệ thống lưới truyền tải; tổng số vốn đầu tư; các giải pháp thực hiện trong quy hoạch điện VIII, thậm chí cả những con số công suất đăng ký ngoài Quy hoạch đã được công bố công khai bằng nhiều hình thức khác nhau. Thế nhưng, chỉ có một số ít địa phương chia sẻ (không đăng ký thêm) còn hầu hết các địa phương vẫn tiếp tục đăng ký bằng văn bản và tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội – đoàn địa phương tiếp tục bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét bổ sung Quy hoạch điện VIII.

Có thể nói, việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư cũng như tận dụng nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị là điều đáng hoan nghênh; là nhu cầu chính đáng của mỗi địa phương. Song cần lắm sự thấu hiểu, sẻ chia với thực tế.

Có những địa phương nhu cầu về công suất nguồn điện chỉ 400- 500 MW, hoặc nhiều lắm là 2000 MW nhưng đã có nguồn điện hoặc đăng ký phát triển gấp hàng chục lần. Dường như đang có một xu hướng phát triển điện năng lượng tái tạo theo kiểu phong trào. Nghĩa là địa phương chỉ muốn có dự án, sản xuất điện để bán, chứ không hề nghiên cứu, tính toán đến thực tế nhu cầu của cả nước; không tính đến các phương án truyền tải, gánh nặng của hệ thống điện Quốc gia; các khó khăn trong quản lý, vận hành, yếu tố kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư, giá bán điện cuối cùng. Đó là chưa kể đến các yếu tố môi trường, xã hội khác nữa.

Trở lại thời kỳ cách đây 4-5 năm, khi triển khai các nhà máy nhiệt điện than đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiều địa phương đã từ chối không phát triển dự án vì lý do môi trường. Lúc đó đã có câu hỏi, nếu địa phương nào cũng vì lý do môi trường, từ chối nhiệt điện than, điện khí và xa hơn là điện hạt nhân thì lấy đâu ra điện nền để đáp ứng nhu cầu phát triển và đáp ứng chính nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo?

Trở lại với câu chuyện bổ sung Quy hoạch điện VIII, tổng nhu cầu điện chỉ ở mức tới hạn, giống như một ngôi nhà chỉ có sức chứa số lượng người nhất định, không thể bổ sung thêm quá nhiều. Nếu cơ quan quản lý không nghiên cứu đề xuất hoặc từ chối có khi địa phương, doanh nghiệp lại cho rằng không tạo điều kiện. Ngược lại nếu cứ bổ sung bằng cách này hay cách khác, khi xảy ra chuyện thì chắc chắn dư luận sẽ đặt nặng vấn đề trách nhiệm!

Tóm lại, việc Bộ Công thương được đề nghị rà soát, báo cáo một số nội dung liên quan đến dự thảo Quy hoạch Điện VIII mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhằm hoàn thiện tốt hơn dự thảo, xử lý triệt để hơn một số vấn đề thực tiễn nhưng không có nghĩa là tạo hành lang cho việc đề nghị bổ sung tràn lan các dự án năng lượng tái tạo bất chấp thực tế.Các địa phương khi đưa ra những lời đề nghị bổ sung hơn lúc nào hết phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và phải đặt quy hoạch của mỗi tỉnh thành trong bức tranh quy hoạch tổng thể chung của vùng, miền và cả nước.

Đình Dũng


  • Báo Công Thương