Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3: Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió

Tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 diễn ra sáng 12/5, nhiều đại diện các Bộ ngành, cơ quan và đại biểu đã đề xuất, đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước để thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3, với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có các Ủy viên Ủy ban, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương cùng một số Bộ ngành, đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3, với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam”. 

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề "Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam” được tổ chức nhằm thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2023 và số 582/NQ- UBTVQH15 ngày 29/8/2022 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”; đồng thời tiếp tục cung cấp thông tin phục vụ Đoàn giám sát, tạo lập diễn đàn trao đổi, gặp gỡ, hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các đối tác liên quan, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Đoàn giám sát.

Diễn đàn được tổ chức cũng nhằm trao đổi, chia sẻ các cơ hội phát triển, phát hiện các vấn đề nổi cộm, làm rõ các vướng mắc, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp về chính sách, pháp luật, thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp phát triển điện khí và điện gió theo quy hoạch. Những tham luận và ý kiến tại Diễn đàn sẽ là căn cứ khoa học, thực tiễn kiến nghị với các cấp có thẩm quyền.

Thu hút thêm sự  nhiều khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự báo nhu cầu tiêu thụ điện và vai trò, cơ cấu, tỷ trọng của điện khí, điện gió như thế nào là hợp lý trong dự thảo Quy hoạch điện VIII và nhằm thực hiện cam kết tại COP26; giải pháp bảo đảm phát triển hạ tầng điện gió, điện khí tại Việt Nam; Đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất điện gió, điện khí (trong nước và nhập khẩu); vốn đầu tư, sử dụng đất, không gian biển, hiệu quả kinh tế - xã hội; những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đối với các dự án điện gió, điện khí hiện nay…

Ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương

Đề cập về các chính sách hiện hành liên quan đến quy định về hợp đồng mua bán điện, mua bán khí làm cơ sở thu xếp vốn và đầu tư xây dựng dự án nhiệt điện khí và dự án điện gió, ông Phạm Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nêu quan điểm: Các chính sách hiện hành liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, mua bán khí làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư xây dựng chuỗi điện khí và điện gió hiện nay đã được quy định đầy đủ.

Ông Phạm Quang Huy khẳng định: Để đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon, chiến lược và tầm nhìn của Việt Nam đối với việc đẩy mạnh phát triển điện khí, điện gió trong trung và dài hạn đã có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn trước theo hướng ngày càng chú trọng đến việc phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng mới đi kịp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới.

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và cung cấp dịch vụ năng lượng, đồng thời tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng và an toàn vận hành hệ thống thì cần thiết tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho sản xuất điện trong nước ngày càng khan hiếm, an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề cần được giải quyết với tầm nhìn dài hạn.

Đóng góp ý kiến về phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam, ông Cáp Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Cơ cấu nguồn điện nói chung và nguồn điện gió, khí nói riêng của giai đoạn đến 2030 đã được đơn vị tư vấn tính toán và cơ quan có thẩm quyền quyết định, quyết định phù hợp trong Quy hoạch điện VIII. EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện của EVN đến 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị khác cần phối hợp chặt chẽ với EVN và các đối tác liên quan để thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện đến năm 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bên bán điện có xu hướng yêu cầu giá điện cao để tối đa hóa lợi nhuận nhưng EVN chỉ có thể mua điện ở mức giá hợp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, có khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của bên bán và khả năng đáp ứng của bên mua điện là EVN. Vì vậy, cần thiết có các quy định rõ ràng của cấp có thẩm quyền để đáp ứng nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các bên tham gia mua, bán điện mà trong đó EVN là một bên tham gia.

Phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và nhiệt điện khí trong nước

Phát triển mạnh điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước để thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Việt Nam cần chú trọng quan tâm.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu tại Diễn đàn.

Ngoài ra, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh phát triển ưu tiên 06 ngành kinh tế biển, trong đó có “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”, trong đó điện gió ven bờ và ngoài khơi.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Trên cơ sở các cam kết tại COP 26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng khí trong nước (chuỗi khí - điện Lô B, Cá Voi Xanh), thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng đó. Một dự án điện gió ngoài khơi cần 6 - 7 năm (từ khi khảo sát đến lúc xây dựng xong). Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng. Mặc dù các thiết bị chính phải nhập khẩu, những thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được. Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng cho điện gió đầy tiềm năng.

Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, Việt Nam cần phát triển từ 14.900 - 22.400 MW điện khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 và có thể tăng lên đến 32.400 MW vào năm 2035. Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống - nhà máy điện. Cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để đảm bảo hiệu quả chuỗi dự án.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Diễn đàn

Qua Diễn đàn, với nhiều tham luận của các cơ quan quản lý ngành, các doanh nghiệp, nhà khoa học về vai trò quan trọng, các đặc điểm của các loại nguồn điện sạch hơn và năng lượng tái tạo để hướng tới mục tiêu giảm phát thải KNK, tiến tới trung hòa các-bon vào năm 2050; về năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế khi tham gia chuỗi cung ứng nguồn điện khí, điện gió cùng các hạ tầng kỹ thuật cần thiết.

Các đại biểu đã nêu vướng mắc về quy định pháp luật, cũng như các rào cản, thách thức trong triển khai phát triển hạ tầng nguồn điện khí LNG và điện gió, cho thấy còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong thời gian tới. Bên cạnh việc chậm trễ có Quy hoạch Điện VIII, làm đình trệ nhiều dự án điện, một số khó khăn đã được nêu ra.

Trên cơ sở kết quả Diễn đàn, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, xử lý và xây dựng báo cáo tổng thuật hội thảo với những đánh giá, nhận xét, đề xuất, kiến nghị cụ thể với các cơ quan liên quan, nhất là trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng nói chung và phát triển hạ tầng điện các nguồn khí LNG và điện gió nói riêng. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các đơn vị liên quan rất mong các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các chuyên gia, nhà tư vấn tiếp tục có các hành động cụ thể, quan tâm việc đầu tư điện gió, điện khí cũng như tiếp tục đề xuất các giải pháp, các kiến nghị để bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan đến lĩnh vực điện gió điện khí nói riêng và lĩnh vực năng lượng nói chung hướng tới đảm bảo mục tiêu Net Zero vào năm 2050.


  • Cổng TTĐT Quốc Hội Việt Nam